Xu hướng giới trẻ hiện nay rất thoáng trong việc chuyển đổi công việc – nhảy việc. Trong một số ngành nghề nhất định nhảy việc còn được khuyến khích để trau dồi thêm kinh nghiệm làm việc, tìm kiếm môi trường mới phát triển.
Nhiều lý do để ra đi
Có nhiều nguyên nhân khiến nhân viên quyết định “nhảy việc”. Dưới đây là một vài trường hợp điển hình:
Loan, một nhân viên truyền thông tại TPHCM chia sẻ: “Tôi cảm thấy kiệt sức vì phải làm thay công việc của người khác. Thứ bảy, chủ nhật có sự kiện, mọi người đều đẩy tôi làm với lý do chưa lập gia đình nên rảnh rang. Trong khi tôi cũng cần phải nghỉ ngơi, chăm sóc cha mẹ già. Còn rất nhiều lý do khác mà tôi không tiện nói ra đây.”
Một nhân viên vừa nghỉ việc tại nơi cô đã gắn bó gần 5 năm cũng chia sẻ rằng: “Đó là thời gian khá dài bởi bạn bè tôi làm việc lâu nhất ở một nơi là 2 năm. Làm việc lâu năm, mình nhận ra những điều bất hợp lý và muốn cải tổ nhưng ban giám đốc không đồng ý. Thế là mình lựa chọn ra đi để lãnh đạo có sự lựa chọn khác.”
Duy Ngọc, hồi tháng 6-2017 còn là trưởng phòng đối ngoại của một công ty lớn, thì tháng 3 năm nay đã thông báo về việc không còn đảm trách cương vị ở công ty cũ với lý do: “Chúng tôi có những bất đồng trong công việc và chia tay là lựa chọn tốt nhất”.
Bà Phạm Kim Tuyến, một nhân sự cấp cao về truyền thông tại TP HCM, kể: “Tôi vừa xin nghỉ vì công ty không chịu lắng nghe nguyện vọng của tôi cũng như mấy chục nhân viên khác. Lương tôi hơn 40 triệu đồng nhưng đóng bảo hiểm chỉ trên mức lương là 11 triệu đồng. Việc này khiến cho người lao động sẽ mất rất nhiều quyền lợi về sau, tôi đã phản ánh đến bộ phận nhân sự nhưng không được trả lời. Thêm nữa, với vị trí quản lý bộ phận truyền thông, tôi cần nhiều thời gian cho việc tiếp xúc bên ngoài nhưng bộ phận hành chính luôn bắt tôi phải sáng đến trình diện quẹt thẻ, chiều phải quẹt thẻ ra về, nếu không như thế thì coi như ngày đó không được tính công. Tôi đã nhiều lần góp ý về chuyện này phải áp dụng sao cho linh hoạt, đúng người chứ không nên cứng nhắc như vậy. Vài lần không tìm được sự chia sẻ nên tôi chọn giải pháp rời công ty dù không hề muốn”.
Ai thích “nhảy việc”?
Theo một khảo sát tiến hành cuối năm 2017 của Trung tâm Tư vấn nguồn nhân lực Alpha với 500 nhân sự trong độ tuổi 25-40 thuộc 48 công ty có quy mô từ 1.000 lao động trở lên tại TPHCM, 67% cho biết sẽ “nhảy việc” khi có cơ hội; 56% cho biết từng “nhảy việc” khi làm chưa được 1 năm. Đặc biệt, chỉ một người làm việc 20 năm tại một doanh nghiệp dù không ít lần có ý định đổi thay.
Về trình độ của những người được khảo sát thì 70% là cán bộ quản lý cấp trung, 30% còn lại là nhân viên bình thường. Tỉ lệ “nhảy việc” của đội ngũ nhân lực quản lý ở mức cao, có đến 88% người được hỏi cho biết đã hơn 3 lần “nhảy việc” trong thời gian 5 năm.
Khảo sát “Thế hệ Y (sinh năm 1980 đến 1996) người Việt – Tham vọng sự nghiệp và khát vọng khởi nghiệp” do Navigos Group tiến hành, cho thấy 69% ứng viên thế hệ Y cho rằng họ đang cân nhắc chuyển việc, và có đến 70% ứng viên làm việc trung bình từ 4 năm trở xuống tại một công ty.
Theo các chuyên gia nhân sự, có rất nhiều nguyên nhân khiến người lao động nhảy việc, có thể là do khách quan hoặc chủ quan đến từ cả doanh nghiệp và người lao động. Đặc biệt có thể do “cuộc chiến” giành giật nhân tài giữa các đối thủ cạnh tranh, do áp lực công việc hay phúc lợi cao đã tác động không nhỏ đến người lao động đang làm việc.
Một số nghiên cứu gần đây lại cho thấy nguyên nhân chủ yếu khiến người lao động nhảy việc là vì họ không có cơ hội cống hiến, tự khẳng định mình. Họ muốn được thừa nhận, được thăng tiến, phát triển nghề nghiệp và được hưởng những quyền lợi đúng với công sức của mình nhưng doanh nghiệp lại không đáp ứng được nhu cầu đó.
Doanh nghiệp cần có chiến lược quản trị nhân sự
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, cho rằng những nhân sự giỏi, có năng lực thường tìm đến những công ty có thể giúp họ phát triển toàn diện cả về kỹ năng cá nhân cũng như chuyên môn. Để đạt được mong muốn đó, họ phải đi tìm cho mình một nơi làm việc thích hợp nên hiện tượng “nhảy việc” là điều khó tránh khỏi.
Hơn nữa với kỷ nguyên 4.0, việc cạnh tranh nhân sự thật sự là một cuộc chiến khốc liệt của các Doanh nghiệp khi các công ty nước ngoài đẩy mạnh kinh doanh tại Việt Nam. Do đó, bạn nên thay đổi chiến lược quản trị nhân sự để thu hút và giữ chân người tài cho Doanh nghiệp càng sớm càng tốt.
Nguồn: Tổng hợp