KHÁC NHAU GIỮA HEADHUNTER VÀ RECRUITER

10/04/2021 03:04:27 PM

    Là một khái niệm còn khá mới ở Việt  Nam, nên việc người khác không rõ cũng là điều dễ hiểu nếu họ không có nhu cầu. Có đôi khi được hỏi và tôi chỉ biết ngập ngừng: "Ừ thì… là headhunter đó, là làm tuyển dụng đó".

    Công việc tuyển dụng không dễ dàng định nghĩa như mọi người vẫn nghĩ. Trước hết, headhunter – “săn đầu người” – được dịch ra tiếng Việt nghe có vẻ dễ hiểu, nhưng để hình dung ra những gì mà chúng tôi làm thật sự không dễ dàng nếu muốn liên kết cụm từ đó với công việc này. Không phải là “săn” hay “đầu người”, mà nó là việc truyền tải những yêu cầu từ khách hàng thành một danh sách, rồi tìm kiếm những người có tố chất phù hợp với danh sách đó cho công ty của họ. Chúng tôi đơn giản là một bên thứ ba làm việc với phương châm là sẽ giúp khách hàng của mình và những tài năng ngoài kia tìm được “một nửa hoàn hảo” của mình.

    Cũng xin đừng nhầm lẫn công việc của headhunter và công việc của những nhà tuyển dụng khác. Mặc dù có cùng xuất phát điểm và mục tiêu cuối cùng là tìm và kết hợp được những ứng viên cùng công việc phù hợp, headhunter và recruiter – các nhà tuyển dụng – vẫn có rất nhiều khác biệt mà mọi người hay nhầm lẫn. Bài viết này của tôi sẽ phần nào giúp bạn hiểu hơn về công việc mà tôi – một headhunter – đang làm.

    Recruiter – nhà tuyển dụng.

    Những nhà tuyển dụng là những người được công ty thuê để tìm kiếm nhân sự cho những vị trí còn trống trong công ty đó. Họ có thể là những người làm trong phòng nhân sự của chính công ty đó, hoặc là công ty sẽ thuê bên thứ ba. Bên thứ ba này có thể là những nhà tuyển dụng làm việc độc lập hoặc là những nhân viên thuộc công ty nhân sự lớn.

    Cả headhunter và recruiter đều tìm những ứng viên phù hợp cho vị trí đang trống, nhưng recruiter sẽ trực tiếp tham gia vào toàn bộ quá trình tuyển dụng, từ đăng tin tuyển dụng, đọc hồ sơ của ứng viên và phỏng vấn trực tiếp. Một vài nhà tuyển dụng sẽ chủ động tìm kiếm ứng viên, nhưng phần lớn họ sẽ đăng tin lên các trang tìm việc hoặc dùng trang web của công ty. Những nhà tuyển dụng sẽ thường xuyên theo dõi và tìm kiếm người cho vị trí còn trống trong công ty.

    Hơn nữa, những nhà tuyển dụng trực tiếp làm việc trong công ty sẽ chịu những trách nhiệm khác vấn đề nhân sự, trong khi những người thuộc bên thứ ba chỉ cần tìm kiếm nhân tài phù hợp cho vị trí mà công ty yêu cầu. Điều này sẽ khiến cho phạm vi tuyển dụng của họ rộng hơn, bởi họ có thể thuê những chuyên viên thuộc những lĩnh vực khác.

    Headhunter – “thợ săn đầu người” hay chuyên viên tuyển dụng cấp cao.

    Còn chúng tôi – các headhunter – sẽ được các công ty thuê để tìm những ứng viên phù hợp cho những vị trí yêu cầu những kỹ năng đặc biệt và có trình độ cao. Thông thường, những vị trí này thường là những vị trí đầu, cấp quản lý, CEO, giám đốc… nên rất khó để tìm và tuyển được một người thật sự phù hợp. Nhiều công ty gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng những vị trí này thông qua các kênh tìm kiếm thông thường hay muốn tiết kiệm thời gian, tiền bạc và công sức, họ sẽ tìm đến các headhunter.

    Thay vì làm việc cho một công ty, các headhunter thường sẽ là những chuyên viên cố vấn độc lập cho nhiều công ty khác nhau cùng một thời điểm, và họ thường sẽ là những chuyên gia tuyển dụng nhân sự trong một lĩnh vực nhất định, chẳng hạn như IT, tài chính – ngân hàng, kỹ thuật… Trong từng lĩnh vực chuyên môn của mình, các chuyên viên phải có những mạng lưới quan hệ rộng rãi giúp họ có thể tìm được những ứng viên phù hợp với những vị trí yêu cầu kỹ năng cao.

    Thay vì chờ đợi những đơn xin việc từ khắp nơi, các headhunter sẽ chủ động tìm kiếm, tiếp cận với những người phù hợp và liên lạc với những ứng viên “chất lượng cao”. Ví dụ, nếu trong quá trình tìm kiếm trên LinkedIn hay nghe được từ mạng lưới thông tin rộng rãi của mình về một ứng viên sáng giá và đầy triển vọng, chúng tôi sẽ ngay lập tức liên lạc với ứng viên đó và trình bày với người đó về vị trí công việc phù hợp với khả năng của ứng viên và những lí do để thuyết phục ứng viên.

    Headhunter không can thiệp vào toàn bộ quá trình tuyển dụng. Họ không quảng cáo, không đăng tin rầm rộ khắp nơi mà chỉ tìm kiếm những ứng viên phù hợp và liên hệ. Sau đó, họ sẽ trực tiếp trao đổi và tư vấn cho ứng viên đó. Nếu thật sự phù hợp, ứng viên sẽ được công ty mời phỏng vấn và việc của headhunter chỉ còn là chờ phản hồi từ phía công ty khách hàng.

    Nếu là một ứng viên tiềm năng, khi bỗng nhiên nhận được một cuộc gọi và được đề nghị một công việc hấp dẫn, hẳn bạn sẽ tỏ ra nghi ngờ. Nếu không hiểu được tính chất công việc của các headhunter, bạn có thể rất mơ hồ về chuyện này, rằng liệu chi phí như thế nào, công việc tốt không, thậm chí còn có người cho là lừa đảo. Trước hết tôi sẽ giải thích cho bạn, rằng chúng tôi sẽ không thu bất cứ chi phí nào từ ứng viên trong suốt quá trình. Headhunter sẽ chỉ được trả tiền nếu như chúng tôi tìm được cho bạn một công việc phù hợp từ một trong những khách hàng của mình, và chi phí đó sẽ được công ty khách hàng trả chứ không phải từ bạn. Đây là cam kết từ công ty của chúng tôi và khách hàng, và nó giúp cho những headhunter tích cực hơn và thúc đẩy họ làm việc hăng say hơn.

    Mặc dù vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ, tuy nhiên công việc của “thợ săn đầu người” không quá khó để hiểu và “ghê gớm” như nhiều người vẫn tưởng phải không? Nếu như bạn chưa từng quan tâm đến việc tuyển dụng và đã từng hiểu sai về hai công việc này, vậy bây giờ thì sao? Hãy cho chúng tôi biết nhé.

    Website: http://nhanlucvietnam.net Hoặc http://timviec24.com.vn 

    Fanpage: https://www.facebook.com/nentangheadhunter