Nếu trước khi phỏng vấn ở công ty mới, bạn đã từng làm việc ở công ty khác thì 90% nhà tuyển dụng sẽ tò mò muốn biết lý do tại sao bạn quyết định “nhảy việc”. Đây không phải là câu hỏi đơn giản vì chỉ cần không khéo léo, bạn có thể dễ dàng bị “mất điểm” trước nhà tuyển dụng.
Thực tế có vô vàn lí do khiến chúng ta quyết định nghỉ việc. Và phần lớn, một khi đã “nhảy việc” thì ắt hẳn nguyên nhân khiến bạn lựa chọn “ra đi” ít khi mang tính tích cực. Hãy xem qua 4 lý do “nhảy việc” phổ biến nhất và tham khảo cách trả lời nếu bạn không may bị nhà tuyển dụng hỏi khi phỏng vấn nhé!
1. Mức lương của bạn ở công ty cũ thấp
- KHÔNG NÊN: Thành thật “khai báo” với nhà tuyển dụng rằng bạn “nhảy việc” chỉ vì muốn mức lương cao hơn. Nếu chưa nắm kĩ môi trường làm việc và tính chất công việc của bạn ở công ty cũ, rất có thể nhà tuyển dụng sẽ nghi ngờ về năng lực và hiệu quả làm việc của bạn. Có khi, nhà tuyển dụng còn cảm thấy e ngại vì họ nghĩ rằng bạn chỉ làm việc vì tiền.
- NÊN: Hãy cố gắng hướng câu trả lời của bạn về một lí do liên quan đến phát triển sự nghiệp. Trước hết, hãy nhanh chóng điểm qua những kinh nghiệm, thành tựu mà bạn đã tích lũy được ở công ty cũ; sau đó khéo léo thể hiện sự khao khát muốn được thử sức, thể hiện và cống hiến khả năng mà mình đang có cho một vị trí công việc “nặng ký” hơn.
2. Bạn không còn hứng thú làm việc
- KHÔNG NÊN: Kể lể, than phiền về sự chán ngán, uể oải mà bạn phải trải qua mỗi ngày đi làm vì cứ phải làm hoài một công việc, không học hỏi được gì, môi trường làm việc không phù hợp,..Một doanh nghiệp không thể phát triển vững mạnh nếu nhân viên của họ chỉ làm việc theo “hứng” mà không có mục tiêu và sự quyết tâm. Vậy tại sao họ có thể dám tuyển bạn nhỉ?
- NÊN: Chân thành “tâm sự” với nhà tuyển dụng về những lí do khiến bạn không muốn bỏ lỡ vị trí mà mình đang ứng tuyển. Đồng thời “nói giảm nói tránh” khi đề cập vấn đề tại sao công việc cũ lại không còn phù hợp với bạn và cho nhà tuyển dụng biết bạn mong muốn tích lũy những gì cho bản thân, cống hiến điều gì cho công ty.
3. Mâu thuẫn khó giải quyết với đồng nghiệp/sếp
- KHÔNG NÊN: “Kể tội” đồng nghiệp/sếp của bạn và một mực rằng đó là lí do trọng yếu khiến bạn nhất quyết phải chuyển việc. Thật ra mâu thuẫn là chuyện khó tránh ở công sở. Tuy nhiên nó chưa phải là lí do chính đáng để nghỉ việc. Nhà tuyển dụng có thể sẽ nghĩ rằng khả năng thích ứng của bạn kém, bạn thiếu kĩ năng giải quyết vấn đề và đặt “chủ nghĩa cá nhân” lên trên chuyện công ăn việc làm.
- NÊN: Hãy trả lời một cách trung lập rằng bạn và đồng nghiệp/sếp có hướng đi khác biệt nhau, mà hướng đi của bạn lại khá trùng hợp với tầm nhìn, sứ mệnh của công ty mà bạn đang phỏng vấn. Cuối cùng, đừng quên để lại vài lời nhận xét tốt về công ty cũ.
4. Bạn không có cơ hội thăng tiến
- KHÔNG NÊN: Trực tiếp đề cập tới việc bạn không thăng tiến được ở công ty cũ nên muốn tìm kiếm cơ hội thăng tiến ở công ty mới. Vì trước hết chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu bạn trình bày lí do tại sao bạn không thể thăng tiến được. Nếu không khéo léo, có thể bạn sẽ vô tình “kể tội” công ty cũ, hoặc khiến nhà tuyển dụng nghi ngờ về năng lực của bạn.
- NÊN: Cho nhà tuyển dụng thấy bạn có mong muốn được bước ra khỏi vùng an toàn và khao khát được thử sức, chinh phục vị trí công việc có đòi hỏi cao về kĩ năng và chuyên môn hơn công việc hiện tại.
Lời kết:
Sự thành thật luôn được đề cao. Thế nhưng khi phỏng vấn về lí do “nhảy việc”, bạn không nhất thiết phải “có sao nói vậy” mà hãy cố gắng đưa ra câu trả lời mang cái nhìn khách quan, tích cực nhất. Quá khứ không quyết định tương lai của bạn. Vì vậy hãy gạt chúng qua một bên và luôn nhìn về phía trước bạn nhé!