Có những trường hợp đặc biệt, việc "được thăng chức" lại trở thành "bị thăng chức" khiến bạn không khỏi lo ngại về những thử thách mới trong công việc hiện tại.
Mỗi người một hoàn cảnh, một tính cách, không ai giống ai. Vậy nên, chuyện được thăng chức vốn dĩ là điều mà ai ai cũng mong muốn. Vậy mà vẫn có một số bạn chọn điều ngược lại, sẵn sàng từ chối cấp trên khi được đề nghị thăng chức! Chuyện này còn có ẩn khúc gì không?
Thăng chức tưởng như là điều tuyệt vời trong sự nghiệp của bạn, bạn khao khát đã lâu nhưng lại không đủ tự tin có thể đảm nhận chức vụ đó. Trong trường hợp này, từ chối cơ hội đến với bạn có thể sẽ là sai lầm lớn và sau này bạn sẽ phải nuối tiếc. Nhưng có những trường hợp đặc biệt, việc "được thăng chức" lại trở thành "bị thăng chức" khiến bạn không khỏi lo ngại về những thử thách mới trong công việc hiện tại.
Vậy làm cách nào để bạn biết được có nên nhận sự tiến cử này hay không, và nếu muốn từ chối, làm sao để quyết định này không ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ tốt đẹp giữa bạn và cấp trên? Trước khi từ chối hãy xem xét thật kỹ điều này ảnh hưởng ra sao đến sự nghiệp của bạn và bạn hãy chắc chắn rằng sau này mình sẽ không hối hận với những quyết định ở hiện tại.
Tại sao bạn lại e ngại với việc được lên chức?
Nếu bạn chưa chắc chắn rằng mình muốn thăng chức hay không, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu những lý do thường gặp sau để xem có nguyên nhân nào đúng với trường hợp của bạn hay không:
Thời điểm không phù hợp
Thời điểm cơ hội đến có thể là thách thức đối với bạn hoặc người thân trong nhà. Có lẽ bạn đang tham gia một khóa học nghiệp vụ; bạn có con gái/con trai sắp tốt nghiệp Trung học Phổ thông; hoặc bạn phải chăm sóc bố mẹ già. Cũng có thể là việc thăng chức này đòi hỏi bạn phải chuyển đến nơi khác trong khi nửa kia của bạn có công việc tốt ở thành phố này và không muốn rời đi. Tất cả những yếu tố này khiến cho việc bạn thăng chức – mặc dù rất tốt cho sự nghiệp của bạn – trở nên không phù hợp với hoàn cảnh cuộc sống hiện tại của bạn.
Bạn chưa sẵn sàng
Bạn nghĩ rằng mình chưa sẵn sàng cho chức vụ mới và muốn củng cố thêm một số kỹ năng quan trọng trước khi đảm nhận trách nhiệm và thử thách mới. Nếu vậy, hãy cân nhắc xem liệu sự do dự của bạn có đủ căn cứ chưa hay chỉ đơn thuần là do bạn sợ hãi và thiếu lòng tin vào bản thân. Đôi khi, cách chuẩn bị tốt nhất chính là bắt đầu ngay khi có cơ hội. Nếu bạn thích công việc đó, bạn hoàn toàn có thể bù đắp thiếu sót về kỹ năng bằng cách làm việc chăm chỉ và siêng năng hơn nữa. Cân nhắc kỹ lưỡng liệu bạn có nên đảm nhận vai trò mới hay không.
Bạn không muốn thăng chức
Mỗi người có một mục tiêu khác nhau trong đời, thứ người khác mơ ước chưa chắc đã phải là điều bạn mong muốn. Có lẽ bạn thích làm công việc chuyên môn hiện tại hơn và không muốn thăng chức vì phải đảm nhận chức quản lý, khiến bạn xa rời con đường sự nghiệp mà bạn yêu thích. Trong trường hợp này, hãy nghĩ đến cảm nhận của mình với công việc hiện tại và có thực sự là bạn muốn ở vị trí hiện tại mãi không? Giám đốc, Sếp sẽ cho phép bạn ở mãi vị trí đó chứ?
Thăng chức nhưng không tăng lương
Thăng chức có nghĩa là bạn sẽ phải đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn trong khi lương không tăng. Đây là một lý do hợp lý để từ chối thăng chức nhưng bạn cần khéo léo khi nói chuyện với quản lý của mình.
Phải làm gì khi được sếp tiến cử nhưng bạn không muốn?
Điều quan trọng trước tiên là thể hiện lòng cảm kích và trân trọng của bạn khi được tiến cử ngay cả khi bạn không muốn. Khi bạn nhận được lời đề nghị, bạn nên phản hồi nhanh nhất có thể và bày tỏ sự biết ơn với sếp, cho sếp thấy bạn rất cảm kích khi được sếp cất nhắc.
Một quyết định vội vàng sẽ khiến bạn phải hối hận về sau, vì thế đừng từ chối thăng chức khi mà bạn chưa hiểu rõ tính chất của công việc mới và những hệ lụy nếu bạn không chấp nhận. Yêu cầu thêm chút thời gian để suy nghĩ kỹ càng, chấp nhận hoặc từ chối như khi bạn cân nhắc một lời mời làm việc mới. Đánh giá vị trí đó khi bạn nhận vai trò mới và làm sao để nó phù hợp với cuộc sống và kế hoạch phát triển sự nghiệp của mình.
Một lời từ chối chóng vánh có thể làm sếp hiểu nhầm sự gắn bó của bạn với tổ chức và thậm chí là đạo đức nghề nghiệp của bạn. Sẽ tốt hơn nếu bạn dành thời gian phân tích hậu quả khi từ chối sự tiến cử này.
Bạn nên làm gì để xoa dịu tình hình?
Cảm ơn cấp trên của bạn vì đã tin tưởng và có cái nhìn đúng đắn về năng lực của bạn. Giải thích cho sếp của mình hiểu rằng: "Mình vẫn đang phát triển rất tốt ở vị trí hiện tại". Hứa hẹn sẽ chấp nhận lời đề nghị thăng tiến này khi cảm thấy thời điểm chín muồi.
Những điều cấm kị nào tuyệt đối không được nói ra!
Đừng viện cớ "chưa / không đủ năng lực để đảm đương vị trí" mà từ chối sếp Ép buộc bản thân phải ngồi vào vị trí mà mình không hề thích
Không hề có một định nghĩa chuẩn mực nào cho khái niệm "lộ trình sự nghiệp hoàn hảo". Hoàn hảo hay không đều quy về suy nghĩ và tư duy của mỗi người trước năng lực của mình, bên cạnh đó còn là tầm nhìn của họ về con đường đúng đắn cho sự nghiệp của mình phía trước.
Theo HR Insider
Doanh nghiệp và tiếp thị