Bạn đã nghe đến thuật ngữ "trì hoãn thỏa mãn" bao giờ chưa? Càng biết chờ đợi, thành quả thu được sẽ càng lớn. Đây chính là biết nhịn cái lợi nhỏ để có thể thu được cái lợi lớn hơn. Để làm được, yêu cầu phải kiểm soát tốt được bản thân.
Vào thập niên 60, các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành “Thí nghiệm kẹo dẻo Stanford” nổi tiếng. Trong thí nghiệm này, một nhóm trẻ em được yêu cầu ngồi chờ để nhận kẹo. Nếu muốn lấy luôn thì chỉ được 1 viên, còn nếu ngồi chờ trong khoảng thời gian đã quy định thì sẽ có 2 viên.
Kết quả cho thấy, những đứa trẻ có thể kiên trì trong thời gian dài để nhận phần thưởng cao hơn thường đạt thành tích tốt hơn trong cuộc sống. Kể từ đây, khái niệm “trì hoãn sự thỏa mãn” ra đời, đề cập đến việc từ bỏ sự hài lòng tức thời để đạt những kết quả dài hạn có giá trị hơn.
“Trì hoãn sự thỏa mãn” cũng là câu cửa miệng của Trương Nhất Minh – founder Bytedance, công ty sở hữu hai sản phẩm nổi tiếng là ứng dụng đọc báo Toutiao và mạng xã hội TikTok. Ông coi đây như một phương châm sống, áp dụng hàng ngày trong cuộc đời mình.
Trương Nhất Minh sinh năm 1983, là cựu sinh viên ĐH Nam Khai. Chỉ trong 6 năm, từ một lập trình viên bình thường trở thành CEO công ty công nghệ nổi tiếng. Hiện tại, ông đang sở hữu khối tài sản trị giá 35,8 tỷ USD, đứng thứ 39 trong số những người giàu nhất thế giới.
Nhiều doanh nhân cùng thời nhận xét, khả năng học hỏi và nâng cao trình độ của Trương Nhất Minh rất nổi bật. Ông làm việc thành thục như một chiếc máy, biết cách tự điều chỉnh bản thân, giỏi kiềm chế cảm xúc và có tầm nhìn dài hạn.
“Đa phần mọi người gặp vấn đề trong cuộc sống là do không thể trì hoãn sự thỏa mãn của bản thân”, ông nói.
1. Mức lương chênh lệch khi mới ra trường thực sự không đáng kể
Bạn phải tự mình lựa chọn ngành học, công ty, sự nghiệp và con đường phát triển, đừng để bị lung lay bởi những lựa chọn ngắn hạn. Ví dụ, sau khi tốt nghiệp, nhiều người sẵn sàng làm việc cho các công ty nước ngoài, chứ không phải các công ty mới thành lập. Lý do là vì ở đó nổi tiếng hơn, lương cao hơn.
Tuy nhiên, đây là một tầm nhìn ngắn hạn. Khi vừa mới tốt nghiệp, mức lương chênh lệch khoảng vài triệu đồng thực sự không đáng kể. Trước khi đưa ra quyết định, cần chú ý nhiều hơn đến bản chất sự việc, xem liệu có lợi ích lâu dài hay không. Nếu chỉ nhìn vào lợi ích ngắn hạn, bạn đang lãng phí thời gian của chính mình.
Năm 2016, một doanh nhân trẻ đã hỏi Trương Nhất Minh: “Trong hơn 3 năm, ông đã đưa ra quyết định quan trọng nào để biến giá trị của Toutiao từ 100 triệu USD lên 10 tỷ USD?”. Cựu CEO Bytedance cho biết, hầu hết các quyết định đó được ông đưa ra trong vòng 3 tháng đầu kinh doanh. Việc bạn có trì hoãn được cảm giác thỏa mãn hay không sẽ quyết định việc bạn có tầm nhìn dài hạn hay ngắn hạn.
2. Công việc không phân ta – người, làm việc không phân biên giới
Năm 2005, Trương Nhất Minh tốt nghiệp đại học và gia nhập Kuxun – một startup đặt chuyến du lịch trực tuyến. Ban đầu, ông chỉ là một kỹ sư bình thường. Thế nhưng sang năm 2, ông đã quản lý một đội khoảng 50 người trong công ty, chịu trách nhiệm về back-end và một số đầu việc liên quan đến sản phẩm.
Mọi thứ tiến triển rất thuận lợi, không phải vì Trương Nhất Minh có kỹ năng tốt nhất, hay giàu kinh nghiệm nhất. Bí quyết của ông nằm ở 2 việc.
Thứ nhất, không phân biệt ta và người trong công việc. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình, nếu có thể, Trương Nhất Minh sẽ giúp các đồng nghiệp khác giải quyết công việc. Khi gặp người mới vào nghề, ông cũng sẽ tận tình giảng giải cho họ. Nhờ đó, trình độ của ông ngày càng lên cao. Trong 2 năm đầu tiên, hôm nào Trương Nhất Minh cũng về nhà lúc 12h đêm, không nghỉ ngơi mà tiếp tục ngồi lập trình. Ông làm vậy vì đam mê với nghề, không phải do yêu cầu từ công ty.
Thứ hai, không bao giờ đặt ra ranh giới khi làm mọi việc. Lúc đó, Trương Nhất Minh chỉ phụ trách phần kỹ thuật, nhưng nếu sản phẩm gặp vấn đề, ông cũng không ngại tham gia thảo luận tìm giải pháp. Dù nhiều người khuyên vị doanh nhân này không cần làm vậy, ông vẫn từ tốn nói rằng làm việc nhiều giúp ông có thêm cơ hội luyện tập. Việc trì hoãn sự thỏa mãn sẽ khiến ta sẵn sàng chủ động làm nhiều việc hơn và rèn luyện nhiều hơn, thay vì lo lắng về việc: “Đây có phải là việc mình nên làm?”.
3. 4 lần lập nghiệp, đều không kiên trì đến cuối
Trước khi thành lập Toutiao, Nhất Minh đã 4 lần khởi nghiệp, nhưng không lần nào gắn bó đến cùng. Ông đã sớm nhận ra: nếu việc khởi nghiệp không suôn sẻ, chẳng thà đập đi mà làm lại từ đầu. Ở một số công ty khởi nghiệp, mọi người thường kiên trì bám trụ đến cùng. Founder TikTok lại nghĩ, họ tên giải tán sớm thì tốt hơn, dành thời gian để bắt đầu lại, sản sinh thêm những giá trị mới. Chẳng hạn, khi Trương Nhất Minh rời bỏ Jiujiufang, một số nhà đầu tư cũ của công ty này cũng chuyển qua đổ tiền vào Toutiao và thu về lợi nhuận tốt.
Trương Nhất Minh cho biết, nếu không thấy triển vọng khởi nghiệp, ông sẽ rời đi không chút ngần ngại hay tội lỗi. Thành công của một doanh nghiệp vốn đã có xác suất thấp. Chủ động rời đi sớm, biết đâu công ty sẽ có cơ hội tìm được người tốt hơn.
4. Thành lập Toutiao thay vì trở thành giám đốc điều hành Tencent
Trương Nhất Minh từng được mời làm CEO của Tencent, nhưng ông nghĩ điều đó thật nhàm chán. Thay vì quản lý một thứ có sẵn, ông muốn tự mình khởi nghiệp hơn. Chưa đầy 1 năm sau khi thành lập Toutiao, Trương Nhất Minh nhận được lời mời đầu tư vô cùng hấp dẫn từ một vị đại gia. Ông suy nghĩ cả tuần rồi quyết định từ chối.
Vị doanh nhân này coi đây là một trải nghiệm khích lệ tinh thần, giúp ông phát huy động lực để chinh phục những mục tiêu lớn hơn. Nếu nhận lời giúp đỡ của đại gia, ông sẽ bị bó buộc vào hàng ngũ, khiến bản thân bị giam cầm. Đa số mọi người chỉ nhìn thấy ưu điểm trước mắt, mà bỏ qua nhược điểm tiềm ẩn. Đây là một sai lầm trong tầm nhìn.
Đọc tiểu sử về các công ty lớn trên thế giới, Trương Nhất Minh hiểu rằng một doanh nghiệp muốn lớn mạnh thì phải kiên nhẫn chờ đợi, tập trung phát triển tối ưu. Ví dụ, Amazon đã kiên trì chịu lỗ trong một thời gian dài, kể cả Alibaba cũng không có lãi trước năm 2012.
Đừng chỉ nghĩ đến những mục tiêu ngắn hạn như gieo hạt vào mùa xuân để thu hoạch vào mùa thu. Muốn trồng cây lâu năm, phải chịu cảnh vài năm đầu không có gì thu hoạch, nhưng quả ngọt sau này thì nhiều vô kể. Hãy tìm cách đẩy mục tiêu tối ưu càng xa càng tốt, rồi nghĩ xem cuối cùng mình thu lại được bao nhiêu.
5. Khi còn trẻ, hãy đặt ra những mục tiêu cao hơn
Trong số các bạn bè và đồng nghiệp của Trương Nhất Minh, nhiều người thậm chí còn giỏi hơn ông. Thế nhưng, trong 10 năm qua, không ai vượt qua được vị doanh nhân này. Bởi lẽ, sau khi tốt nghiệp, họ đặt ra những mục tiêu không cao.
Không ít người đi làm chỉ để kiếm tiền mua nhà ở thành phố. Họ dành hết tâm sức cho việc này, nên sự nghiệp ít nhiều cũng bị ảnh hưởng, tinh thần càng trở nên kiệt quệ. Một người bạn còn nhận thêm vài ba công việc bán thời gian để trả tiền đặt cọc nhà. Ông ta có vẻ đã có lãi, nhưng thực tế là lỗ.
Nếu không muốn trở nên tầm thường, phải có mục tiêu cao hơn. Thực hiện được mục tiêu cao, những thứ trên chỉ là chuyện đơn giản. Trương Nhất Minh đã suy nghĩ như vậy. Trì hoãn sự thỏa mãn sẽ giúp bạn có những mục tiêu cao hơn và đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn. Có thể bạn tiến triển chậm trong vài năm đầu, nhưng nhìn lại sau 10 năm, chắc chắn sẽ rất khác.
Khi Trương Nhất Minh tốt nghiệp, ông đặt mục tiêu rất cao: “Kiếm được 1 triệu đầu tiên, phải kiếm được nhiều tiền nhờ khởi nghiệp”. Ông làm vậy không phải vì ham muốn tiền bạc. Cái ông cần là cảm giác chinh phục thử thách, đối đầu với những người giỏi.
Trong vài năm qua, Trương Nhất Minh cảm thấy đã học lại những điều mà lẽ ra mình phải học ở tuổi thiếu niên: cách đọc, cách hiểu bản thân, cách giao tiếp với người khác, cách sắp xếp thời gian, cách tiếp thu ý kiến của người khác một cách chính xác, cách tạo động lực cho bản thân, cách viết, cách tiếp tục rèn luyện và cách kiên nhẫn.
Theo Zhihu