“Tích cực độc hại” nơi công sở thì tiêu cực đến thế nào?

12/02/2022 06:02:54 PM

    Khi ở giai đoạn của khó khăn, nhiều người khuyên chúng ta nên suy nghĩ lạc quan lên. Nhưng cố tỏ ra mình ổn khi bản thân đang đau khổ chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn. Bởi chính bạn đang cố tạo ra cái vỏ bọc tích cực nhằm che đậy cho sự ức chế cảm xúc ở bên trong. Nhất là trong môi trường công sở, loại “tích cực độc hại” không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tác động xấu đến công việc.

    Khi nào tích cực trở nên độc hại?

    Trong hoàn cảnh đại dịch Covid ảnh hưởng trên toàn cầu, nhiều người bị ảnh hưởng đến cuộc sống, gia đình và tác động xấu đến cả công việc. Trong bối cảnh này, chúng ta vẫn động viên nhau rằng : Hãy tích cực lên ! Thay vì bi đát, mọi người kháo nhau rằng đây là thời gian nghỉ ngơi để học trồng cây, làm bánh, chăm sóc gia đình. Nhưng một ngày, bạn bỗng nhận ra dường như những người ấy như được xây dựng bằng thép, những khó khăn ngoài kia dường như không thể chạm đến họ được. Nhưng rõ ràng đại dịch vẫn đang đe dọa đến tính mạng và công việc của chúng ta mỗi ngày. Lúc này, lời khuyên đấy được xem là loại tích cực độc hại. 

    Trên thực tế, ranh giới giữa tích cực và tích cực độc hại vô cùng mong manh. Khi gặp phải khó khăn, chúng ta trấn an nhau tích cực cực đối mặt để vượt qua. Nhưng giữ thái độ tích cực khi bản thân không ổn, lúc nào cũng phải trưng bày bộ mặt tích cực chỉ để che giấu cảm xúc thực tại lại là thứ độc hại vô cùng. 

    Trong môi trường công sở, loại cảm giác ảo này gây tác động xấu đến cả công việc. Trong trường hợp gặp phải khó khăn hay sự góp ý, thay vì cố gắng tìm ra biện pháp để khắc phục; chúng ta cố né tránh và cho rằng bản thân làm vậy là tốt rồi. Cảm giác tự động viên mình hài lòng và lạc quan dù kết quả ra sao sẽ chẳng khiến bạn phát triển nổi. Thế nên, không phải tích cực ở mọi trường hợp đều tốt. Bạn cần phân biệt rõ để tránh phải rơi vào cạm bẫy do lạc quan quá đà tạo ra. 

    Nguyên nhân dẫn đến tích cực độc hại

    Như nói trên, ranh giới giữa tích cực và tích cực độc hại rất mong manh. Nguyên nhân dẫn đến sai lầm trong cách nhìn nhận chủ yếu do 2 yếu tố tác động sau: 

    Ảnh hưởng từ việc sống ảo trên mạng xã hội

    Hàng ngày, chúng ta chỉ cần lướt qua các trang Facebook, Zalo,.. đều thấy mọi người cập nhật hình ảnh tận hưởng cuộc sống và trưng bày mặt tốt của mình ra. Họ cố đưa ra hình ảnh lung linh nhất chỉ để thỏa mãn sự khoe mẽ và câu like. Những nhóm người này thích sống ảo, đếm lượt like làm lời động viên cho cuộc sống. Mặc dù, bên ngoài đôi khi họ chẳng hề sung sướng như vậy. Lối sống sang chảnh và xa xỉ luôn được mọi người ngưỡng mộ và trầm trồ. Nhiều người thích cuộc sống ảo như vậy nên bất chấp tìm mọi cách để thể hiện sự hào nhoáng ra bên ngoài. Những kẻ xấu lợi dụng sự cả tin càng khuếch trương sự xa xỉ nhằm đánh bóng tên tuổi cho mình nhằm mục đích trục lợi về sau. 

    Chính những thói quen sống ảo này dần tập cho người thật “sống giả” y như trên mạng xã hội. Nếu mù quáng không nhận ra, bạn sẽ tự đẩy mình vào cảnh ‘tiền mất, tật mang”.

    Lời động viên đôi khi là con dao hai lưỡi

    Khi gặp phải khó khăn, gia đình thường động viên chúng ta cố gắng vượt qua. Nhưng lời khuyên nhủ đó như con dao hai lưỡi nếu không biết tận dụng đúng lúc. Trong trường hợp, động viên để chúng ta đỡ đau buồn và phấn chấn xây dựng lại thì đây là lời khuyên tích cực. Ngược lại, bạn ngủ quên trong “lớp vỏ tích cực” mà người thân tạo ra được xem là tích cực độc hại. 

    Nhất là trong công việc, loại ích cực độc đoán này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nghiệp và “đồng minh” xung quanh bạn, cụ thể như:

    Khi phòng kinh doanh được giao doanh số khoán 13 tỷ để hoàn thành doanh số năm. Trong khi mọi người đang cố gắng từng ngày, bạn vẫn “lạc quan” bởi cho rằng dịch vừa khỏi sức mua trên thị trường chưa hồi phục chưa chắc sẽ đạt được kỳ vọng đề ra. Tâm lý “ dù không đạt được cũng chả sao” khiến bạn khó lòng hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Tự tạo ra tích cực trong suy nghĩ và đổ lỗi hoàn cảnh nếu không hoàn thành công việc ảnh hưởng đến thành tích của bạn và cả tập thể. 

    Thế mới thấy, lạc quan đến chủ quan là thủ phạm khiến sự nghiệp của bạn mãi chẳng “chịu lớn”. Nếu cứ dần để bản thân ngủ quên trong “tích cực” sẽ là liều thuốc độc giết chết ý chí và sự nghiệp của bạn.

    Cách tránh cạm bẫy “Tích cực độc hại”

    Như đã biết, ranh giới giữa tiêu cực – tích cực rất mong manh. Nếu bạn đang rơi vào bẫy tích cực do bản thân tự tạo ra hay do người khác tác động vào, thì đã đến lúc phải thay đổi suy nghĩ quay về với thực tại. 

    Một trong những cách tốt nhất để chữa trị là đối mặt với hiện thực. Khi đối mặt với căng thẳng, phê phán hãy chấp nhận chúng và tìm ra cách khắc phục. Bởi chúng ta không ai là hoàn hảo, quan trọng bạn phải biết cách sửa chữa sai lầm và hướng bản thân hoàn thiện hơn mỗi ngày. Nếu nhận được lời phê phán trong công việc, hãy tìm hiểu lỗi sai vừa được chỉ ra và sửa chúng. Đừng trốn tránh vấn đề hay tự an ủi “mình đã làm tốt rồi” để bản thân ngừng cố gắng. Sai lầm đó sẽ giết chết cả sự nghiệp của bạn. 

    Trên thực tế, chúng ra rất ít khi nhận ra loại tích cực độc hại này. Nếu bạn nhận ra sớm dấu hiệu của hành vi này, sẽ giúp bạn điều chỉnh lại suy nghĩ theo hướng phù hợp hơn. Quan trọng hơn hết, chúng ta phải học cách chấp nhận chứ không bao biện cho những sai lầm mắc phải. Hy vọng qua bài viết trên sẽ đưa đến những thông tin hữu ích cho nhiều bạn đọc.