Người trẻ thất nghiệp. Do đâu?

06/04/2021 06:04:44 AM

    Người trẻ thất nghiệp nhiều: Làm việc lẹt đẹt, 6 năm ra trường lương chỉ 10 triệu, tại sao không nghỉ để chạy theo đam mê và sở trường?

    Công thức chống thất nghiệp tóm lại là: Phải biết mình muốn gì, đối chiếu xem bản thân có phù hợp không, chọn được công việc phù hợp nhất, học thật tập trung vào kiến thức sẽ ứng dụng được cho công việc đã chọn, trở thành siêu sao và ai cũng muốn tuyển.

    Tuyển nhân viên cho mình, tuyển nhân viên cho bạn, tuyển nhân viên cho đối tác và nói chuyện với không dưới 500 sếp, lớn có nhỏ có trong gần 5 năm, cuối cùng tôi cũng hiểu được tại sao giới trẻ thất nghiệp nhiều. Chúng ta sẽ bắt đầu từ nguyên nhân đầu tiên:

    1. Không thực sự biết mình muốn gì

    Khi đặt câu hỏi "Em muốn gì bây giờ và 2 năm tới ?", rất nhiều em ú ớ không trả lời được hoặc bắt chước câu trả lời rập khuôn từ mấy tài liệu hay các khoá học vượt qua phỏng vấn, thường thì "Em muốn trở thành nhân viên giỏi, sau đó là manager".

    Câu trả lời này rất chung chung, chẳng thể hiện được gì và đã được các anh/chị dùng cách đây chục năm rồi nên gần như không có tác dụng như cây đũa thần nữa. Thế là bị 'out' mà không hiểu tại sao. Việc ú ớ không trả lời được hoặc trả lời theo sách vở chứng minh rằng các em bị mất định hướng trầm trọng và đang đi xin việc để chống thất nghiệp, thế là bị mất lợi thế khi phỏng vấn và đàm phán lương ngay.

    Các em bị nhà tuyển dụng "bắt thóp" rồi, các em có biết không? Ai có tâm và thương thì nhiệt tình chỉ dẫn để các em hình dung rõ hơn các em cần làm gì tiếp theo, nhưng đa phần chẳng ai kịp nói vì quá bận.

    Khi hỏi sâu hơn, tôi phát hiện ra phần lớn các em bị mất định hướng là do cha mẹ chứ bản thân các em có lỗi rất ít trong chuyện này. Cha mẹ Việt Nam bắt các em sống với đam mê của họ chứ không phải của các em. Những gì họ làm không được, họ bắt các em thực hiện thay. Dang dở giấc mơ làm bác sĩ, các bậc phụ huynh bắt con mình phải học ngành Y và dập tắt ước mơ làm hoạ sĩ, vì kiếm không được nhiều tiền nên họ bắt con phải theo học Kinh tế thay vì để đứa nhỏ theo ngành Thú y như nó muốn...

    Một số bậc phụ huynh không rơi vào trường hợp này thì lại nói đến chuyện sĩ diện. Vừa nghe đứa con nói thích làm đầu bếp thì "bóp cổ chặn họng" ngay: "Nghĩ cái gì mà chọn nghề đó, ăn học 12 năm rồi phải làm kỹ sư, bác sĩ mới được chứ". Thế là xong, các em phải học cái mình không thích tí nào, đâm ra chán ghét bất mãn.

    Với thái độ như vậy, các em học cho xong để ra trường, hoàn toàn không có mục tiêu thì lấy gì làm được việc. Chưa kể vì lỡ học ngành đó rồi nên rơi vào cái bẫy tư duy là "Học gì phải làm đó" nếu không uổng công mấy năm trời.

    Khi không có định hướng, hàng loạt hệ luỵ sẽ theo phía sau. Hoặc là các em sẽ không học gì hết, làm loạn khi được "sổ lồng", ăn chơi xả láng nên ra trường không được hoặc ra trường mà không biết gì, thế là thất nghiệp. Hoặc là các em cố học, học một cách không có định hướng chỉ để lấy điểm thay vì học một cách tập trung vào những môn có thể ứng dụng được.

    Các em thuộc nhóm này bị cuốn vào suy nghĩ "Có bằng đỏ sẽ có việc làm lương cao" thế là ra trường với tư duy là mình "ngon" lắm, phải là ông này bà kia, kết quả là không ai nhận. Tỉnh lại đi các em, nhà tuyển dụng không quan tâm cái bằng, họ trả lương cho người làm được việc.

    Các em thuộc nhóm này thường bị "ru ngủ" rằng "Học đi, không bổ dọc cũng bổ ngang", "Không ứng dụng được nhưng giúp nâng cao khả năng phân tích"... Trong khi đó thực tế không phải vậy. Kiến thức không dùng được thì nên vứt đi để dành cái đầu cho kiến thức dùng được. Các em hình dung thế này, đầu các em chỉ chứa được 10 kg kiến thức. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu so sánh một cái đầu chứa 9 kg kiến thức không dùng được + 1 kg kiến thức dùng được, còn 1 cái đầu chứa 10 kiến thức dùng được ngay?

    9/10 các em nhân viên mới ra trường không có khả năng phân tích, cái gì không biết là chạy vào hỏi sếp ngay "Cái này làm sao anh?", "Em chờ ý kiến của chị mới dám làm" thay vì động não cho ra giải pháp trước là một bằng chứng rất rõ ràng.

    Vậy nên hãy xác định mình thật sự muốn cái gì, các em sẽ biết mình nên học cái gì một cách tập trung để bổ sung kiến thức. Đảm bảo khi tập trung học đúng kiến thức thực tiễn sau 3 tháng các em sẽ rất khác và không thất nghiệp nữa vì đã hoàn toàn đủ năng lực cơ bản để tìm việc.Ví dụ, nếu muốn làm sales thì học kỹ năng giao tiếp và trình bày, học cách xây dựng mạng lưới mối quan hệ, học quy trình bán hàng, học cách lập kế hoạch, học viết lách, học cách ăn mặc cho đẹp và chuyên nghiệp. Muốn làm kế toán thì phải giỏi excel, phân tích tài chính. Giỏi các môn dùng được ngay trong nghề nghiệp mình muốn làm thì ai mà không tuyển.