(NLĐO) - Bô Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa đề xuất phương án nghỉ Tết Âm lịch Ất Tỵ, cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ 9 ngày liên tục gồm 5 ngày nghỉ Tết và 4 ngày nghỉ hằng tuần.
Theo phương án Bộ LĐ-TB-XH đề xuất, công chức, viên chức được nghỉ Tết Ất Tỵ từ ngày 25-1 đến hết 2-2-2025.
Với phương án mà Bộ đề xuất, nhiều người lao động bày tỏ sự ủng hộ bởi nghỉ Tết dài ngày, họ có thời gian về quê thăm gia đình hoặc nghỉ ngơi, chăm sóc người thân. Song cũng nhiều người lo lắng bởi cuộc sống còn nhiều khó khăn, phải đợi đến cận Tết, tùy tình kinh tế mới dám tính đến chuyện về quê ăn Tết cũng như kế hoạch nghỉ Tết.
Anh Trần Văn Được (quê Bình Định, công nhân làm việc tại Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM) cho biết do có nhiều lao động quê ở miền Trung, miền Bắc nên năm nào công ty anh cũng bố trí nghỉ Tết dài ngày (từ ngày 9-11 ngày tùy tình hình sản xuất năm) để họ được về quê đón Tết, sum họp với gia đình hoặc có thời gian nghỉ ngơi nếu không về quê. Lịch nghỉ Tết cũng được thông báo từ rất sớm để công nhân chủ động kế hoạch nghỉ Tết.
Người lao động công ty anh rất ủng hộ cách làm này bởi đặc thù công ty sản xuất theo ca và tăng ca liên tục dẫn đến tình trạng họ rất ít khi về thăm quê hương. Để có kỳ nghỉ dài, ngoài các ngày nghỉ theo quy định, công ty sẽ tính vào ngày nghỉ phép hàng năm của người lao động.
"Năm nào cũng được nghỉ Tết dài ngày nên khi nghe về phương án nghỉ Tết năm 2025, tôi không bất ngờ. Thực ra để tiết kiệm, cách 2 năm tôi mới về quê thăm cha mẹ và ăn Tết một lần. Năm rồi tôi không về mà đăng ký làm việc xuyên Tết nên năm nay dự kiến tôi sẽ về quê" - anh Được nói.
Trái ngược với nhiều công nhân mong chờ kỳ nghỉ dài, chị Phạm Thị Yến Loan (công nhân Công ty TNHH may thêu Thuận Phương, quận 6, TP HCM) lại rất lo lắng mỗi khi Tết đến. Quê ở Bến Tre, chỉ mất khoảng hơn 2 giờ đi xe là về đến nhà, công ty cũng tạo điều kiện, bố trí cho người lao động nghỉ Tết dài ngày song năm nào chị cũng ở lại làm việc đến cận Tết, có năm ở lại đi làm thêm xuyên Tết, đến Mùng 3, 4 Tết, hai vợ chồng mới chở nhau về quê.
Lý do khiến chị phải làm việc cật lực là do cha mẹ lớn tuổi bệnh tật, các con còn độ tuổi ăn học, chi phí mỗi tháng đều vượt qua thu nhập hằng tháng của hai vợ chồng chị. "Nghe nghỉ Tết dài tôi cũng ham lắm nhưng mình không dám nghỉ vì cuộc sống còn nhiều khó khăn. Vì vậy, năm nào tôi cũng ráng ở lại đi làm thêm, chỉ về thăm con, thăm cha mẹ 3, 4 ngày rồi lại trở lại TP HCM" - chị Loan tâm sự.
Đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày liên tục
Bộ LĐ-TB-XH đang lấy ý kiến các bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án nghỉ Tết Nguyên đán năm 2025.
Tại dự thảo tờ trình lần này, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất duy nhất 1 phương án nghỉ Tết Âm lịch Ất Tỵ: Nghỉ 5 ngày theo quy định, trong đó nghỉ 2 ngày trước Tết và 3 ngày sau Tết.
Cụ thể, công chức, viên chức nghỉ Tết Âm lịch năm 2025 từ thứ Bảy ngày 25-1-2025 đến hết Chủ nhật ngày 2-2-2025 Dương lịch (tức ngày 26 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Ất Tỵ).
Như vậy, với phương án này, dịp nghỉ tết Âm lịch công chức, viên chức sẽ được nghỉ 9 ngày (bao gồm 5 ngày nghỉ Tết Âm lịch và 4 ngày nghỉ hằng tuần). Trước đó, Tết Nguyên đán các năm 2022 và 2023, cán bộ, công chức, viên chức đều được nghỉ 7 ngày.
Nếu phương án trên được Chính phủ thông qua, cán bộ, công chức, viên chức sẽ có một kỳ nghỉ Tết nguyên đán dài hơn so với các năm trước 2 ngày.
Đối với người lao động trong các doanh nghiệp, Bộ LĐ-TB-XH cho biết căn cứ điều kiện thực tế và lịch nghỉ áp dụng với công chức, viên chức, người sử dụng lao động bố trí lịch nghỉ Tết Nguyên đán. Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp áp dụng lịch nghỉ cho người lao động như đối với công chức.
Người sử dụng lao động tại doanh nghiệp chủ động về lịch nghỉ nhưng các doanh nghiệp cần thông báo phương án nghỉ Tết Nguyên đán cho người lao động trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày.