“Vì sao em nghỉ việc công ty cũ?” là câu hỏi rất nhạy cảm mà nhiều bạn ứng viên “đổ mồ hôi” khi gặp phải. Trả lời thành thật thì không khéo lại “mất điểm”, mà viện lý do thì sợ bị lộ. Nhất là với các bạn trẻ mới đi làm chưa có nhiều kinh nghiệm phỏng vấn. Bài viết này sẽ mách bạn mẹo khéo nói, cách trả lời lý do nghỉ việc sao cho gây ấn tượng với nhà tuyển dụng nhé!
Bí kíp trả lời hay và khéo trước câu hỏi phỏng vấn muôn thuở
Chuẩn bị câu trả lời trước buổi phỏng vấn
Để tránh tình trạng lúng túng và trả lời không khéo, nên suy nghĩ trước câu trả lời ở nhà bạn nhé. Đồng thời, luyện tập trả lời nhiều lần để tránh vấp và tạo cảm giác tự nhiên nhất. Nhất là với các bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm phỏng vấn.
Trung thực tương đối
“Vạch áo cho người xem lưng” mà nhất là cho nhà tuyển dụng ngay trong buổi phỏng vấn đầu tiên, thì nguy cơ bị “tạch” khá cao đấy. Trung thực vốn là đức tính tốt, nhưng muốn đậu phỏng vấn thì bạn nên khéo léo trung thực tương đối, trung thực có chọn lọc. Cụ thể là hãy chọn những điểm tích cực nhất trong lý do nghỉ việc để trả lời.
Cách này giúp ghi điểm tốt hơn trong mắt nhà tuyển dụng. Ngược lại, nếu thật thà nói rõ lý do nghỉ việc tiêu cực như xích mích với đồng nghiệp cũ, gây lộn với khách hàng hoặc tranh cãi với Sếp… thì nguy cơ mất điểm là khá cao.
Trả lời ngắn gọn, dễ hiểu
“Nói dài nói dai thành ra nói dại”! Chỉ cần trả lời ngắn gọn rành mạch trong khoảng 2 – 3 câu là đủ rồi. Nói dài dòng dễ phơi bày ra ý tiêu cực, lại có thể vô tình khiến nhà tuyển dụng hiểu nhầm ý.
Thái độ thành thật, tích cực
Dù nguyên nhân nghỉ việc có là gì chăng nữa, vẫn nên dùng từ ngữ tích cực và thái độ thành thật để trả lời. Chính tác phong của ứng viên mới gây ấn tượng với nhà tuyển dụng hơn là nội dung câu trả lời. Tránh bộc lộ thái độ tiêu cực với những từ ngữ giận dữ, chỉ trích bạn nhé.
Chẳng hạn, bạn nghỉ việc vì Sếp, thay vì bày tỏ cảm xúc tức giận, bạn có thể trả lời tích cực theo hướng do bản thân không đáp ứng tốt yêu cầu cao về sức khỏe như Sếp mong muốn…
TOP lý do nghỉ việc “khéo” nhất
– Công ty cũ ngưng hoạt động: Một lý do không thể thuyết phục hơn!
– Công ty cũ tái cấu trúc: Lý do khách quan khiến bạn cảm thấy không còn phù hợp với môi trường làm việc.
– Muốn có nhiều cơ hội phát triển hơn: Thể hiện bạn là người có tinh thần và ý chí cầu tiến. Nhớ bày tỏ mong muốn bản thân sẽ nỗ lực thế nào để phát triển ở công ty mới bạn nhé.
– Tìm môi trường làm việc phù hợp hơn: Đây là lý do chính đáng không thể bàn cãi.
– Lý do cá nhân, gia đình: Chuyện cá nhân và gia đình thường khá riêng tư nên ít nhà tuyển dụng nào hỏi sâu thêm. Tuy nhiên nếu bạn gặp vấn đề sức khỏe hoặc gia đình xảy ra biến cố, đừng ngần ngại chia sẻ với nhà tuyển dụng nhé.
– Quãng đường đi làm xa: Chuyển trọ khiến quãng đường đi làm xa, vừa tốn thời gian vừa không an toàn nên là nguyên nhân khá hợp lý…
Đây là TOP những lý do nghỉ việc thuyết phục và “khéo” nhất, bạn nên vận dụng thử nhé!
Tham khảo TOP mẫu câu trả lời “siêu khéo”
– “Em học hỏi được nhiều kinh nghiệm hay từ công việc cũ, nhưng tiếc là công ty hiện phải ngưng hoạt động. Vậy nên em đã tìm hiểu về vị trí mà công ty mình đang tuyển dụng. Em nhận thấy đây là cơ hội tốt giúp em phát huy năng lực và cống hiến lâu dài cho công ty…”
– “Em thích công việc cũ nhưng lại không có cơ hội áp dụng kiến thức chuyên môn vào thực tiễn. Em nghĩ môi trường làm việc ở công ty mình sẽ giúp em có thể áp dụng được nhiều vào công việc…”
– “Em phải chuyển trọ rất xa công ty cũ nên đi lại bất tiện. Vậy nên em muốn tìm một công ty ở gần phòng trọ hơn để thuận tiện cho việc đi lại…”
– “Em thấy bản thân đã học được hết mọi thứ có thể ở công ty cũ, cũng như cảm thấy không có cơ hội thăng tiến nữa. Đã đến lúc em phải tìm một cơ hội mới để phát triển sự nghiệp hơn…”
– “Môi trường làm việc cũ không giúp em học hỏi và tích lũy được nhiều kinh nghiệm, vậy nên em muốn tìm công việc mới nhiều thử thách hơn để có cơ hội thử sức và học hỏi nhiều điều mới lạ hơn…”
– “Em đã xin nghỉ công ty cũ để dành thời gian học khóa học nâng cao năng lực. Giờ đây đã hoàn thành khóa học nên em muốn tìm môi trường làm việc tốt hơn để phát huy tối đa kiến thức mình được học…”
Tham khảo TOP mẫu câu trả lời siêu khéo trên để vượt ải dễ dàng hơn bạn nhé.
Sai lầm cần tránh khi trả lời câu hỏi “Vì sao nghỉ việc công ty cũ?”
Đừng nên tỏ thái độ tiêu cực khi nhắc về công ty cũ, Sếp cũ, đồng nghiệp cũ, khách hàng cũ… Nhất là nhiều bạn trẻ có thói quen nói xấu Sếp và đồng nghiệp cũ. Điều này chỉ khiến bạn mất điểm hơn trong mắt nhà tuyển dụng dù điều bạn nói đúng sự thật. Nhà tuyển dụng sẽ nghĩ, liệu tình trạng này có lặp lại khi bạn nghỉ việc ở công ty họ hay không?
Không nên trả lời chung chung và khó kiểm chứng, khó thuyết phục. “Lý do cá nhân” là câu trả lời nhiều bạn trẻ hay chọn, tuy an toàn nhưng lại là con dao 2 lưỡi. Nếu đã nhắc đến lý do cá nhân thì nên đưa thêm một nguyên nhân cụ thể hơn để tăng sức thuyết phục. Chẳng hạn em bị bệnh, gia đình gặp biến cố…
Trên đây là những mẹo khéo nói giúp trả lời lý do nghỉ việc gây ấn tượng cho nhà tuyển dụng. Áp dụng khéo léo vào câu trả lời để vượt ải phỏng vấn thành công. Tuy nhiên, đừng nói dối vì nhà tuyển dụng biết cách tra sự thật đấy bạn nhé.