Với những người tìm việc hoặc quan tâm tới việc tuyển dụng, LinkedIn là nền tảng mạng xã hội quen thuộc. Tuy nhiên, sử dụng LinkedIn như thế nào cho hiệu quả thì không phải ai cũng biết cách
LinkedIn được thành lập bởi Reid Hoffman vào năm 2002, tại Mountain View, California, Mỹ. Tới nay, mạng xã hội này trở thành không gian kết nối nhà tuyển dụng với ứng viên hiệu quả trên Internet và được sử dụng phổ biến tại nhiều quốc gia.
LinkedIn cho phép đăng ký tài khoản đơn giản, tạo hồ sơ và CV chuyên nghiệp, kết nối hiệu quả với các nhà tuyển dụng, các công ty mà bạn quan tâm. Đối tượng sử dụng LinkedIn cũng vô cùng đa dạng: từ các chủ doanh nghiệp, CEO, giám đốc, trưởng phòng, lập trình viên, freelancer, designer… mang tới một mạng xã hội sôi động và nhiều cơ hội việc làm cũng như phát triển nghề nghiệp.
Cấu trúc của LinkedIn tương đối giống với các mạng xã hội hiện nay: bạn cần đăng ký tài khoản, hoàn tất hồ sơ (profile) để có thể bắt đầu sử dụng, có các trang tường nhà, newsfeed, cho phép đăng bài dạng ảnh, slideshow, video, cho phép gắn thẻ bạn bè, bình luận, chia sẻ…
Điểm khác biệt là hồ sơ của bạn trên LinkedIn sẽ gồm những thông tin như học vấn, kinh nghiệm làm việc, bằng cấp, tiểu sử… tương tự như một bản CV online.
Nhiều nhà tuyển dụng hiện nay còn khuyến khích ứng viên đính kèm thông tin hồ sơ LinkedIn như một kênh kiểm tra về thông tin cá nhân ứng viên, giúp sàng lọc ứng viên hiệu quả.
LinkedIn có gì?
Một trang LinkedIn thông thường sẽ bao gồm các tiện ích sau:
- Home (trang chủ): Tương tự như trang newsfeed của các mạng xã hội hiện nay, trang chủ của LinkedIn hiển thị mặc định ở chính giữa giao diện, hiển thị bài đăng của cá nhân hoặc trang bạn theo dõi.
- Profile (hồ sơ cá nhân): là trang thông tin giới thiệu cá nhân, bạn cung cấp các thông tin cơ bản về tuổi tác, nghề nghiệp, bằng cấp, kinh nghiệm làm việc, thế mạnh cá nhân…
- My Network: giống với danh sách bạn bè trên các trang mạng xã hội khác, my network gồm danh sách các bạn bè, chuyên gia… bạn đang kết nối.
- Jobs (nghề nghiệp): nơi hiển thị tất cả các thông tin tuyển dụng được đăng trên LinkedIn mỗi ngày liên quan đến lĩnh vực bạn đang quan tâm, bạn có thể cài đặt email để LinkedIn gửi thông báo về việc làm mới qua email mỗi ngày.
- Thanh tìm kiếm: cho phép bạn tìm kiếm các nội dung quan tâm dựa theo các thẻ như: Jobs (Nghề nghiệp), Companies (Công ty), School (Trường học), Group (Nhóm)…
- Notifications (Thông báo): đây là tính năng nhắc nhở giống như các mạng xã hội khác giúp bạn biết được thông tin cập nhật về các trang hoặc cá nhân bạn đang theo dõi, thông báo về bài đăng của bạn, thông tin tuyển dụng bạn đang theo dõi…
- Tin nhắn: nơi hiển thị các tin nhắn trao đổi trực tiếp giữa bạn với bạn bè hoặc nhà tuyển dụng. Thông thường, nếu bạn hoặc người bên kia chưa kết nối với nhau, tin nhắn sẽ nằm ở mục chờ đồng ý, sau khi bạn phản hồi hoặc chấp nhận, hai bên có thể nhắn tin cho nhau trực tiếp và nhận được thông báo khi đối phương nhắn tin.
Ngoài ra, hiện nay LinkedIn còn cung cấp cho người dùng nhiều khóa học online tích hợp sẵn trên nền tảng ứng dụng giúp bổ sung các kỹ năng cần thiết khi phỏng vấn, làm CV hoặc các kỹ năng nghề nghiệp cơ bản hữu ích.
Ý nghĩa của LinkedIn là gì?
Với những tính năng trên, LinkedIn có thể giúp bạn mở rộng mạng lưới quan hệ đáng kể, tạo ra thêm nhiều cơ hội việc làm bằng cách tham gia các nhóm hoặc các thảo luận theo chủ đề đa dạng mà bạn quan tâm hoặc theo dõi các nhà tuyển dụng mình yêu thích để tìm kiếm cơ hội việc làm mong muốn.
Bạn có thể giới thiệu và truyền thông bản thân hiệu quả, chuyên nghiệp với LinkedIn bằng cách tạo hồ sơ ấn tượng, đăng tải những thông tin hữu ích chứng tỏ cá tính hay năng lực bản thân để ghi điểm hơn trong mắt nhà tuyển dụng.
Qua trang LinkedIn của nhà tuyển dụng, bạn cũng có thể phần nào tìm hiểu được về văn hoá doanh nghiệp hoặc các thông tin liên quan hữu dụng.
Bên cạnh đó, với chế độ Open to Work của LinkedIn, các Headhunter có thể tìm kiếm ứng viên nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Nhược điểm của LinkedIn là gì?
Bên cạnh những ưu điểm kể trên, LinkedIn cũng còn tồn tại nhiều điểm hạn chế như:
- Là một trang mạng xã hội nên ai cũng có thể tạo tài khoản đơn giản với email hoặc số điện thoại.
- Thông tin LinkedIn tuyển dụng nhiều nhưng không phải thông tin nào cũng chất lượng và khó xác thực, ứng viên phải tự mình đánh giá chất lượng nhà tuyển dụng.
- Bạn phải trả phí để sử dụng bản cao cấp với nhiều tính năng hơn hoặc nhà tuyển dụng cần trả phí để xem được nhiều hồ sơ ứng viên hơn.
- Tính cạnh tranh của nền tảng cao.
Cách tạo tài khoản LinkedIn là gì?
Để bắt đầu sử dụng LinkedIn, bạn có thể thực hiện tạo tài khoản theo các bước sau:
- Bước 1: Đăng nhập hoặc đăng ký LinkedIn
Nếu đây là lần đầu tiên truy cập vào LinkedIn, bạn có thể chọn “Join now” và thực hiện theo hướng dẫn. Ở bước này, bạn đăng ký bằng email, đặt tên (nên là tên thường dùng trong công việc).
- Bước 2: Hoàn tất các thông tin cơ bản khác.
- Bước 3: Xác nhận và hoàn tất đăng ký thông qua email
Sau khi bạn đăng ký, LinkedIn sẽ gửi mail xác nhận tới hòm thư điện tử bạn đã điền vào ô thông tin. Lúc này, bạn chỉ cần xác nhận theo đường link kích hoạt để hoàn tất.
- Bước 4: Tạo hồ sơ LinkedIn
Sau khi mở tài khoản xong, LinkedIn sẽ yêu cầu bạn hoàn tất các thông tin hồ sơ như ảnh đại diện, các thông tin profile… Khác với các mạng xã hội khác, ảnh đại diện trên LinkedIn nên là các hình ảnh chuyên nghiệp, chỉn chu. Trong profile, bạn nên mô tả ngắn gọn nhưng đầy đủ, làm nổi bật các ưu điểm, kinh nghiệm làm việc của bản thân bởi đây cũng là các thông tin nhà tuyển dụng sẽ xem xét khi bạn ứng tuyển qua LinkedIn.
- Bước 5: Kiểm tra, hoàn tất.
Cách tìm việc trên Linkedin
Bạn có thể sử dụng LinkedIn tìm việc bằng cách truy cập vào mục Jobs (nghề nghiệp), sau đó gõ từ khoá về vị trí công việc muốn tìm kiếm.
Tại đây, LinkedIn sẽ trả về một loạt các công việc được đăng tuyển theo đúng từ khoá. Khi click vào từng tin tuyển dụng, bạn sẽ thấy tên công ty, mô tả công việc và nút apply bằng hồ sơ LinkedIn bạn đã tạo ngay bên dưới, đồng thời nhìn thấy bao nhiêu ứng viên đã apply cho vị trí này.
LinkedIn còn cho phép bạn thực hiện nhiều tùy chọn như tìm kiếm theo thời gian đăng, theo khoảng cách, địa điểm, loại hình công việc…
Cách tối ưu tài khoản linkedin là gì?
Như vậy, hẳn bạn đã hiểu được LinkedIn là gì và biết cách tạo tài khoản LinkedIn đơn giản. Để giúp bạn biết cách sử dụng LinkedIn cho tối ưu và hiệu quả nhất, sau đây là một vài gợi ý:
Chỉnh URL cho profile
Khi mới tạo profile xong, bạn sẽ thấy link profile của mình (URL) là một chuỗi nhiều ký tự lộn xộn. Để profile trông chuyên nghiệp hơn, nhất là khi bạn gửi đi cho đối tác hoặc khách hàng, nhà tuyển dụng, bạn có thể thay đổi URL bằng tại mục Edit public profile & URL và điều chỉnh theo ý mình.
Lý tưởng nhất là đổi theo tên của bạn để khiến url vừa dễ nhớ, ngắn gọn và giúp người khác có thể tìm kiếm trang profile của bạn dễ dàng, nhanh chóng hơn.
Viết phần tóm tắt profile ấn tượng
Các nhà tuyển dụng hoặc người muốn tìm hiểu về bạn sẽ nghía qua trang profile đầu tiên và đọc phần tóm tắt trước hết. Do đó, đây là cách đơn giản nhất để bạn gây ấn tượng cho bất cứ ai quan tâm.
Phần tóm tắt này thường nên viết ngắn gọn, tổng quan và tập trung những điểm mạnh nổi bật, quan điểm sống, tính cách và giá trị cốt lõi quan trọng của bản thân.
Trình bày kinh nghiệm khoa học, khéo léo
Bạn muốn sử dụng profile LinkedIn của mình để tìm việc, mở rộng mạng lưới quan hệ hay để tìm kiếm khách hàng (với ai làm Freelancer)… Tuỳ theo mục đích mà bạn nên trình bày profile, đặc biệt là các kinh nghiệm thật khoa học, khéo léo phù hợp với đối tượng bạn muốn thu hút.
Muốn vậy, thay vì kể ra tất tần tật kinh nghiệm của mình, bạn nên tìm hiểu đối tượng (nhà tuyển dụng, khách hàng…) đang thực sự tìm kiếm những phẩm chất hoặc kinh nghiệm nào từ ứng viên. Sau đó bạn mới lựa chọn và trình bày các kinh nghiệm phù hợp nhất của mình vào profile.
Hình ảnh chuyên nghiệp
Hình ảnh (bao gồm ảnh profile, ảnh bìa, ảnh các bài đăng…) nên được lựa chọn chỉn chu, chuyên nghiệp bởi chúng sẽ được nhìn thấy đầu tiên khi người khác ghé thăm trang cá nhân của bạn.
Hãy xem trang LinkedIn như một bản CV online
LinkedIn có đặc thù khác các mạng xã hội khác, mục đích chính của những người tham gia mạng xã hội này thường không phải để giải trí giống như Facebook, Instagram, Tiktok… Thay vào đó, LinkedIn giống như một xã hội làm việc thu nhỏ hơn, nơi con người nên thể hiện sự uy tín, năng lực của bản thân, nơi phát triển sự nghiệp cá nhân và kết nối với những cá nhân trong ngành khác. Họ có thể là các CEO, giám đốc, trưởng phòng, kế toán, nhân viên kinh doanh…
Bởi vậy, trang LinkedIn cá nhân đôi khi được xem như bản CV online, khi người khác ghé thăm và đánh giá được tổng quan về nhân sự, kinh nghiệm, năng lực. Các Headhunter thường sẽ chủ động inbox (nhắn tin) với các ứng viên họ cho là tiềm năng sau khi lướt qua trang LinkedIn của họ. Do đó, hãy chăm chút chỉn chu cho trang LinkedIn của bạn không kém một bản CV nhé.
Đừng ngại connect với cả người bạn chưa quen
Trên LinkedIn thường có 3 cấp độ kết nối:
Cấp độ 1: những người bạn đã biết, đã kết nối và họ cũng kết nối lại
Cấp độ 2: những người không biết bạn, nhưng bạn có thể theo dõi họ và xem được các thông tin họ chia sẻ
Cấp độ 3: những tài khoản LinkedIn doanh nghiệp, bạn có thể theo dõi để cập nhật các thông tin chia sẻ.
Khi bạn kết nối với cả những người chưa quen nhưng cùng trong ngành nghề hoặc lĩnh vực bạn quan tâm, LinkedIn sẽ gợi ý thêm cho bạn những người trong vòng kết nối của họ nữa, từ đó, bạn có thể tham gia và biết tới một cộng đồng cực lớn những chuyên gia trong ngành và học hỏi được vô cùng nhiều điều. Ngoài ra LinkedIn còn có tính năng giới thiệu kết nối. Khi người quen của bạn đang có kết nối cấp độ 1 với một người khác chưa kết nối với bạn, họ có thể sử dụng tính năng giới thiệu để kết nối 2 người lại với nhau, giúp tăng sự tin tưởng và uy tín.
Thêm vào đó, khi bạn biết cách thể hiện năng lực của bản thân, các kết nối của bạn cũng ngày càng lớn mạnh và tạo nên một cộng đồng ngành thực sự chất lượng.
Thường xuyên cập nhật profile trên linkedin là gì?
Như đã nói, trang cá nhân LinkedIn có thể được xem là bản CV online khi rất nhiều người có thể ghé thăm. Đó có thể là các Headhunt, các HR, thậm chí các quản lý bộ phận muốn đi tìm mảnh ghép thiếu cho đội ngũ nhân sự của mình. Việc thường xuyên cập nhập về quá trình làm việc, đặc biệt là kỹ năng mềm, kinh nghiệm… sẽ giúp bạn tiếp cận được những cơ hội nghề nghiệp phù hợp hơn.
Sử dụng tính năng Open to Work
Đây là một tính năng vô cùng thú vị trên LinkedIn cho phép bạn thông báo với người khác rằng bạn đang sẵn sàng cho một cơ hội việc làm mới. Các nhân sự tuyển dụng hoặc Headhunt cũng sẽ dễ dàng tìm thấy và liên hệ với bạn hơn.
Tìm hiểu nhà tuyển dụng
Nếu đang quan tâm tới một vài nhà tuyển dụng nào đó, bạn có thể sử dụng công cụ tìm kiếm của LinkedIn để tìm hiểu trước về công ty.
Ngoài ra, tính năng “Advanced People Search” khi tìm kiếm công ty, còn trả về cho bạn các kết quả là các giám đốc tuyển dụng hoặc nhân sự của công ty đó. Khi đó, bạn có thể tìm hiểu trước về nhà tuyển dụng, những vấn đề họ quan tâm, từ đó có sự chuẩn bị tốt hơn khi tham gia phỏng vấn.
Tự đăng post tìm việc
Đây là một phương pháp thú vị nhưng tương đối hiệu quả trên LinkedIn, bạn có thể đăng mô tả ngắn gọn về kinh nghiệm, năng lực cùng mong muốn làm việc của bản thân trên LinkedIn, gắn thêm các hashtag liên quan tới ngành nghề hoặc vị trí ứng tuyển.
Điều này giúp bạn chủ động tìm việc hơn, các nhà tuyển dụng hoặc đơn vị đang cần vị trí này có thể nhanh chóng liên hệ với bạn và mang đến thêm nhiều cơ hội.