Công ty săn đầu người chỉ đội ngũ những người làm trong nhóm ngành Nhân sự chuyên đi “săn” chất xám, nhân tài theo nhu cầu từ các công ty khách hàng. Xuất hiện không quá lâu nhưng các công ty săn đầu người ngày càng mở rộng, và người lao động trở thành nguồn vốn hữu hình trong mọi hoạt động, không mơ hồ chung chung như trước, đặc biệt là khi nhu cầu tìm đúng người đúng việc ngày càng trở nên bức thiết.
Nếu bạn là một nhân viên có năng lực, hoặc mong muốn tìm một công việc mới, thì nếu một ngày nọ, bạn nhận được điện thoại từ headhunter – nhân viên của các công ty săn đầu người mời bạn phỏng vấn cho một vị trí làm việc tiềm năng và hấp dẫn, bạn sẽ xử trí ra sao?
Những điều nên biết khi làm việc với các công ty săn đầu người
Như vấn đề câu hỏi trên đã đưa ra, có nhiều người thậm chí không bao giờ nghĩ có một ngày các công ty săn đầu người sẽ gọi điện và mang đến cho họ một cơ hội làm việc tốt hơn, hoặc phù hợp hơn vị trí hiện tại. Chính vì thế, nhiều người tỏ ra bối rối, và không biết cách xử trí khéo léo với cơ hội này.
Theo tư vấn của các chuyên gia “săn” đầu người nổi tiếng tại Việt Nam, nghệ thuật để làm việc với các công ty săn đầu người, chính là làm sao để họ hỗ trợ tốt nhất cho bạn trong quá trình thăng tiến của mình. Muốn như thế, bạn nên cho đi trước khi nhận được cơ hội mà bạn mong đợi. Vậy bạn nên cho đi điều gì?
- Thứ nhất, cho đi sự ghi nhận: khi một công ty săn đầu người bỏ thời gian ra tra cứu CV và tìm đến bạn, thì bạn nên ghi nhận cố gắng đó của họ, cho dù trong thời điểm hiện tại, cơ hội họ mang đến chưa phù hợp với bạn. Không nên có thái độ bàng quan hoặc quá khó tiếp cận.
- Thứ hai, cho đi thời gian: nhiều người đánh giá các headhunter như những tư vấn viên điện thoại miễn phí mời gọi mua dịch vụ, và họ tìm cách kết thúc cuộc nói chuyện càng nhanh càng tốt. Nếu hiện tại bạn không có nhu cầu nhưng còn tương lai thì không ai biết trước được. Vậy sao bạn không tận dụng cơ hội này để xây dựng mối quan hệ với các công ty săn đầu người bằng cách hỗ trợ họ: giới thiệu cho họ một người đủ tiêu chuẩn mà bạn biết, hoặc giới thiệu cho họ tiếp cận với các đối tượng tiềm năng trong lĩnh vực của bạn.
- Thứ ba, tạo nên giá trị trong mắt headhunter: thông thường với một vị trí, headhunter sẽ tìm nhiều ứng viên cùng lúc. Nếu bạn thể hiện được sự chuyên nghiệp qua các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng email, trả lời phỏng vấn qua điện thoại... thì bạn sẽ luôn nằm trong danh sách ưu tiên với các vị trí cao cấp tương tự. Nó sẽ mang lại nhiều cơ hội thay đổi công việc và cuộc sống của bạn về sau.
Đây là những động thái tạo mối quan hệ với các công ty săn đầu người như CareerLink, Navigos, VHR … để họ có thể hỗ trợ bạn trong thời điểm bạn cần chuyển việc.
Yếu tố nào trong CV của bạn thu hút các công ty săn đầu người?
Bạn đã từng tự hỏi, vì sao các công ty săn đầu người chú ý đến mình trong rất nhiều đồng nghiệp khác? Headhunter luôn làm việc theo đơn đặt hàng của khách hàng, để tìm những vị trí cao cấp hoặc có chuyên môn cao. Chính vì thế họ sẽ rất chú ý đến những ứng viên có những kinh nghiệm, hiểu biết sâu sắc trong lĩnh vực của mình. Headhunter cũng sẽ chú ý đến những thành tựu mà ứng viên đã đạt được tại những công ty mà họ trải qua. Thành tựu ở đây không chỉ là những loại kinh nghiệm đa dạng mà một người thể hiện hàng loạt trong CV mà còn là khả năng kết nối và xây dựng tầm ảnh hưởng của ứng viên trong cộng đồng nghề nghiệp nhất định.
Một chuyên gia có nhiều năm trong công tác “săn” đầu người đã đưa ra ví dụ cụ thể như sau: Thông thường một headhunter muốn đi tìm một giám đốc Marketing chẳng hạn, thì bước đầu tiên họ sẽ liên hệ với một vài chuyên gia Marketing để nhờ giới thiệu. Nếu như một nhân viên Marketing nào đó đã có một lịch sử tốt trong việc tham gia các hội thảo chuyên ngành, hoặc có những quan điểm riêng nổi bật trên các diễn đàn Marketing... để tạo được mức độ nhận biết đối với người trong giới, thì chắc chắn họ sẽ có nhiều lợi thế hơn. Như vậy, đầu tư cho thương hiệu cá nhân là điều quan trọng nhất trong sự nghiệp của bạn, nếu mong muốn là ứng viên sáng giá trong danh sách của các công ty săn đầu người khi tìm việc mới.
Cân nhắc trước khi nhận lời đề nghị của các công ty săn đầu người
Khi lời mời của các công ty săn đầu người khiến bạn phải đắn do suy nghĩ, thì bạn nên có những cân nhắc ra sao cho hợp lý?
Theo chia sẻ của một chuyên gia về nhân sự việc làm, thì chúng ta không nên cổ xúy cho việc thay đổi công việc không chủ đích. Mỗi người trước hết phải hoạch định cho mình kế hoạch cá nhân, với lịch trình ít nhất trong 3 năm tới. Chính việc hoạch định rõ ràng này sẽ giúp bạn cân nhắc được cơ hội mà các công ty săn đầu người đề nghị có phù hợp với những nấc thang trong kế hoạch của bạn không. Từ đó có thể đưa ra quyết định chính xác nhất.
Khánh Quỳnh - CareerLink