Doanh nghiệp "khát" nhân sự cấp cao

15/01/2024 11:01:02 AM

    Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức với nhiều doanh nghiệp trong kế hoạch phát triển sản xuất - kinh doanh năm 2024

    Tháng cuối cùng của năm 2023 và những ngày đầu năm 2024, hàng loạt doanh nghiệp (DN) công bố thay đổi nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao. Nhiều chuyên gia nhận định thị trường tuyển dụng nhân sự cấp cao đang sôi động trở lại khi những chỉ số về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam rất ấn tượng trong năm qua. Tuy nhiên, theo phản ánh của các DN, nguồn ứng viên cấp cao này không nhiều khiến kế hoạch tuyển dụng có thể không hoàn thành chỉ tiêu.

    Thiếu ứng viên

    Cuối tháng 12-2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Đồng Nai thông tin tuyển dụng của nhà thầu chính Thổ Nhĩ Kỳ - đơn vị đang xây dựng gói thầu nhà ga hành khách sân bay Long Thành. Theo đó, nhà thầu này cần tuyển 33 chuyên gia cho 31 vị trí công việc như: đại diện nhà thầu, giám đốc dự án, phó giám đốc dự án, quản lý dự án, quản lý xây dựng, giám đốc thiết kế, trưởng phòng hệ thống kỹ thuật xây dựng, quản lý thiết bị đầu cuối, giám đốc cơ khí, quản lý hợp đồng, quản lý công trường…

    Mức lương mà nhà tuyển dụng này đưa ra rất hấp dẫn, tùy vào vị trí, thấp nhất 75 triệu đồng, cao nhất là 400 triệu đồng/tháng. Bên cạnh mức thu nhập trên, nhà tuyển dụng này cũng đưa ra những yêu cầu khá cao dành cho các ứng viên về chuyên môn, kinh nghiệm, ngoại ngữ và khả năng chịu áp lực trong công việc. Tuy vậy, rất bất ngờ sau gần nửa tháng đăng tin tuyển dụng, đại diện Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đồng Nai cho biết không có bất cứ ứng viên người Việt nào ứng tuyển các vị trí trên.

    Một nguyên lãnh đạo sân bay Vân Đồn cho rằng rất khó để tìm kiếm được những nhân tài trong thời điểm này cho ngành hàng không. Khác với những ngành khác, ngành hàng không yêu cầu người lao động (NLĐ) phải có tính chuyên môn cao vì mọi công đoạn đều liên quan đến an ninh, an toàn bay. Thêm nữa trong giai đoạn thi công, nhân sự cấp cao phải là những người có kinh nghiệm, có tầm nhìn chiến lược dài hạn. Do đó, tuyển dụng chuyên gia cấp cao cho công việc này thực sự rất khó khăn. Thường nhà tuyển dụng phải tuyển chuyên gia nước ngoài cho những vị trí công việc nói trên.

    Không phải những dự án lớn như sân bay Long Thành gặp khó khăn khi săn đón nhân tài, nhiều DN cũng đang "đỏ mắt" tìm những nhân sự chất lượng cao cho kế hoạch phát triển. Một DN logistics khá lớn có trụ sở tại TP HCM cho biết hơn 5 vị trí tuyển dụng nhân sự cấp cao mà DN này đã đăng tuyển 3 tháng qua vẫn chưa tìm được ứng viên phù hợp. 

    Bà Lê Mỹ Ngọc, người phụ trách tuyển dụng của DN trên, cho biết rất ít hồ sơ ứng tuyển và tất cả đều không đạt yêu cầu. "Chúng tôi đã chi một khoản ngân sách không nhỏ cho đợt tuyển dụng cấp cao này nhưng kết quả không như kỳ vọng. Tìm nhân sự cấp cao hiện tại ở TP HCM thật sự rất khó khăn, như đãi cát tìm vàng" - bà Ngọc nói.

    Ông Huỳnh Quốc Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển và Ứng dụng Công nghệ Bách Khoa (quận Tân Bình, TP HCM), cũng than khó tuyển nhân sự cấp cao trong bối cảnh hiện nay. DN này cần nhiều nhân sự chất lượng cao cho những dự án công nghệ nhưng đến nay vẫn thiếu vì khó tìm được người phù hợp. 

    "Nhân sự chất lượng mà tôi tự định nghĩa trong DN của mình phải là người làm chủ được công việc, có kỹ năng xử lý mọi tình huống trong công việc và có tố chất quản lý đội nhóm của mình. Nhưng không ít nhân sự được tuyển, khi bắt tay vào công việc thì không đáp ứng được" - ông Thắng cho biết.

    Cần chiến lược dài hạn

    Theo bà Lê Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Văn phòng TP HCM của Adecco Việt Nam, thị trường tuyển dụng nhân sự cấp cao tại Việt Nam đang sôi động trở lại khi những chỉ số về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam tạo ấn tượng tốt với nhà đầu tư. Các DN tìm được những cơ sở tin cậy để mạnh dạn đầu tư và thu hút một lượng vốn không nhỏ từ nhiều quốc gia. Điều đó tác động đến thị trường tuyển dụng, nhất là vị trí cấp cao trong những DN đang mở rộng đầu tư.

    Tuy vậy, theo quan sát của Adecco Việt Nam, nguồn cung nhân sự cấp cao tại Việt Nam chưa dồi dào, đội ngũ kế cận còn khiêm tốn so với nhu cầu của thị trường. Điều này sẽ dẫn đến việc DN phải sử dụng nhân sự tự đào tạo hoặc có thể thuê những nhân sự chưa thật sự cao cấp.

    Bà Lê Dương Tường Vy, Giám đốc Hành chính nhân sự Công ty TNHH MTV Chế tác và Kinh doanh trang sức PNJ, cho rằng tuyển nhân sự cấp cao là cả một quá trình và cần có một kế hoạch cụ thể. Bởi lực lượng này không bao giờ thất nghiệp. Thêm nữa, nhân sự cấp cao có thể không đặt thu nhập lên cấp độ cao nhất mà cái họ cần là đất dụng võ, cơ hội cống hiến và đạt được đỉnh cao sự nghiệp trong lĩnh vực mà họ theo đuổi. 

    "Tuyển được một nhân sự cấp cao trong giai đoạn này không dễ dàng bởi cầu đang khá lớn, nhất là nhiều DN đang đẩy mạnh tái cấu trúc. Song, nếu DN có chiến lược thu hút nhân tài rõ ràng, thấu hiểu được sự quan tâm về nghề nghiệp nhân sự cấp cao đó thì vẫn có thể tuyển được" - bà Vy nói.

    Về xu hướng thị trường nhân sự cấp cao, nghiên cứu của Công ty Tư vấn Tuyển dụng toàn cầu Robert Walters, cho thấy Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ nhân sự cấp cao sẵn sàng quay trở lại làm việc tại công ty cũ ở mức cao nhất. Theo đó, 31% lực lượng này thừa nhận họ sẵn sàng quay lại công ty cũ để có cơ hội phát triển nghề nghiệp tốt hơn. Trong vòng 2 năm qua, có 34% nhân sự cấp cao ở Việt Nam nghỉ việc nhằm tìm kiếm mức lương và phúc lợi cao hơn, trong đó có hơn 34% thay đổi việc làm để tìm kiếm cơ hội thăng tiến.

    Ông Phúc Phạm, Giám đốc Điều hành Robert Walters Việt Nam, cho biết nhân sự cao cấp Việt Nam có tinh thần cởi mở nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á khi đưa ra quyết định trở lại công ty cũ làm việc. Hai lý do hàng đầu cho quyết định này là cơ hội phát triển nghề nghiệp tốt hơn và sự thay đổi trong đội ngũ lãnh đạo. Điều này cho thấy sự quan tâm của họ đối với lộ trình phát triển cá nhân và môi trường làm việc tích cực. Đãi ngộ về lương thưởng không phải là động cơ duy nhất, các nhân sự cao cấp còn đề cao những cơ hội có ý nghĩa và cảm giác gắn kết trên con đường sự nghiệp của mình. 

    Chủ động đào tạo nguồn nhân lực ngành hàng không

    Theo Học viện Hàng không Việt Nam, hiện nhu cầu nhân lực ngành hàng không tại Việt Nam rất lớn, song cũng có nguy cơ thiếu hụt. Nhân lực của ngành chia thành 3 lĩnh vực chính gồm khai thác vận tải, khai thác cảng và bảo đảm hoạt động bay. Dự báo con số này sẽ đạt hơn 58.000 người vào năm 2025.

    Nhằm có nguồn nhân lực đào tạo đáp ứng trong lĩnh vực này, nhiều đơn vị đã đến các trường THPT, cao đẳng, đại học để định hướng nghề cho người có nguyện vọng từ sớm. Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng các đơn vị cần chủ động triển khai phương án đào tạo, tuyển dụng để thu hút nguồn nhân lực, bảo đảm trong việc giảng dạy, đổi mới phương thức đào tạo chuyên môn phù hợp hơn với tình hình của thị trường lao động

      Người lao động