Nhà sáng lập công ty khởi nghiệp nhân sự WayUp đã chia sẻ những quan điểm của bà về cách tạo một ấn tượng ban đầu tốt với những ứng viên trẻ tiềm năng.
Cơn đại dịch COVID-19 đã khiến cho quá trình tuyển dụng trên toàn thế giới bị chao đảo. Một vài sự thay đổi trong số đó sẽ còn tiếp tục kéo dài, ví như việc sử dụng công nghệ trong quy trình sàng lọc ứng viên chẳng hạn.
Những công ty từng tuyển dụng thành công các ứng viên thuộc thế hệ Millennial và Gen Z đều có một điểm chung, đó là khiến cho ứng viên có ấn tượng tốt với công ty thông qua phỏng vấn online. Cụ thể là, các ứng viên sẽ được coi trọng là một người quan trọng đối với tổ chức, cho dù sau đó họ có đậu phỏng vấn hay không. Đó cũng chính là một lợi thế cạnh tranh lớn đối với các nhà tuyển dụng – họ có thể thu hút nhiều nhân tài ở nhiều lĩnh vực và khía cạnh đa dạng hơn.
Gần đây, tôi đã có một cuộc nói chuyện với Liz Wessel, CEO của công ty khởi nghiệp nhân sự WayUp về cách thu hút nhân sự đang ở giai đoạn đầu của sự nghiệp. Bên cạnh những suy nghĩ chân thành, bà còn chia sẻ kết quả cuộc khảo sát vào năm 2019 từ WayUp – bao gồm các thông tin chi tiết về xu hướng của các ứng viên thuộc thế hệ Gen Z và Millennial. Cuộc khảo sát với 363 học sinh tại các trường đại học của Mỹ, độ tuổi dao động từ 18 đến 25, và chủ yếu là đang hoàn thành để nhận bằng cử nhân.
Từ Wessel, các công ty tuyển dụng thu hút đa dạng nhân sự là nhờ vào các phương pháp sau:
- Họ coi trọng thương hiệu doanh nghiệp
- Họ linh hoạt trong việc đề xuất lịch phỏng vấn với ứng viên
- Họ chia sẻ những nhận xét mang tính cá nhân
- Họ cho thấy có một sự kết nối giữa người với người
Mỗi chiến lược như trên đều có lí do chính đáng của nó..
Thương hiệu doanh nghiệp
Muốn ứng viên chú ý đến công ty hơn, bạn phải có một thương hiệu đầy vững mạnh và mang tính thu hút cao. Qua các buổi phỏng vấn online, thì vấn đề này cần được đề cao và chú trọng hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, nếu ứng viên được hỏi điều gì khiến họ có ấn tượng với công ty, họ sẽ trả lời như thế nào? Theo khảo sát từ WayUp, 86% các ứng viên Gen Z cho rằng, sự đa dạng chính là nhân tố dẫn đầu trong việc họ có muốn gắn bó với công ty hay không.
Theo Wessel, “Sự đa dạng không còn là một yếu tố có-thì-càng tốt, mà nó đang dần trở thành một phần không thể nào thiếu trong các chiến lược thu hút nhân tài của các công ty hiện nay”. “Gen Z là thế hệ có nhiều sự đa dạng nhất, và họ cực kỳ đánh giá cao những môi trường làm việc nào chú trọng vào tính đa dạng”.
Sự linh hoạt
Một trong những cách hữu hiệu giúp công ty tạo được ấn tượng tốt với ứng viên, và đồng thời thu hút được nhiều nhân tài – chính là cung cấp cho ứng viên nhiều khoảng thời gian phỏng vấn khác nhau. Theo WayUp, trên 90% ứng viên hẹn lịch phỏng vấn ngoài giờ hành chính đều là những người da đen, người La Tinh và phụ nữ. Tại sao lại như vậy? Lí do cho việc này là vì gần 60 triệu sinh viên có thu nhập thấp đều làm việc trong khi học.
Theo Wessel, “Những sinh viên đi làm thêm này đều chiếm đa số là người da đen, người La Tinh và những người con trong gia đình theo học đại học. Họ đều phải làm việc trên 15 tiếng một tuần [chưa kể thời gian đi học] – nên sẽ không còn nhiều thời gian để họ có thể phỏng vấn trong khung thời gian hành chính bình thường nữa.
Sự kết nối giữa người với người
Có nhiều công ty sử dụng Trí Thông minh Nhân tạo (AI) để giúp quy trình tuyển dụng trở nên hiệu quả hơn. Tuy nhiên, các ứng viên sẽ cảm thấy không chắc chắn lắm về tính an toàn của các phần mềm này. Ví dụ, theo nghiên cứu từ WayUp, 75% phụ nữ da đen và La Tinh sẽ không thoải mái lắm nếu thuật toán trên máy tính (chứ không phải là con người) lại là “người cầm cân nảy mực” chính cho buổi phỏng vấn chính của họ.
Thêm vào đó, cũng từ nghiên cứu này, 82% sinh viên da đen và La Tinh thích phỏng vấn qua gọi điện thoại trực tiếp (tương tác với một người thật) hơn là qua cách quay video và thu tiếng từ một chiều.
Theo Wessel, “Mặc dù AI vẫn có “đất dụng võ” trong các quy trình tuyển dụng, nhưng Gen Z và Millennial vẫn muốn tương tác với con người hơn. Việc sử dụng AI trong khâu đầu tiên của buối phỏng vấn sẽ khiến cho mục tiêu tuyển dụng của bạn bị ảnh hưởng đấy”.
Tính cá nhân hóa
Ngoài việc tổ chức các buổi phỏng vấn trực tiếp, thì các công ty cũng cần chú trọng hơn trong việc đưa ra những lời nhận xét mang tính cá nhân hóa và đúng tiến độ. Những lời góp ý sẽ giúp ứng viên định hướng tốt, “khiến cho họ cảm thấy mình được lắng nghe, xây dựng niềm tin trong họ, đồng thời giúp cho sinh viên mới ra trường có được những kinh nghiệm phỏng vấn đầu đời của mình”, theo Wessel.
Các công ty tạo dựng tốt ấn tượng ban đầu sẽ rất thành công trong việc thu hút các ứng viên thuộc thế hệ Millennial và Gen Z – và từ đó, tính đa dạng và năng suất của công ty cũng sẽ trở nên cải thiện và phát triển hơn rất nhiều đấy!
– Theo Fast Company –