Tư duy phỏng vấn của một số nhà tuyển dụng rất kỳ quặc. Họ cứ lặp đi lặp lại các câu hỏi từ mười năm trước, lỗi thời, ấu trĩ và rất rập khuôn
Tuy vậy, bạn vẫn phải trả lời những câu hỏi máy móc và khô khan này nếu chẳng may gặp phải những nhà tuyển dụng như thế. Hôm nay Vui Vẻ sẽ gợi ý cho bạn một số cách trả lời thông minh, khôn khéo; tuỳ theo mức độ tự tin của mình mà bạn hãy chọn câu trả lời phù hợp nhé.
Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?
Mr.Vui Vẻ nhận thấy câu hỏi này khá là “vô duyên”. Chúng ta ai cũng có rất nhiều những công việc không thể thực hiện tốt, nhưng đó không phải là điểm yếu. Vui Vẻ cực tệ về kế toán và cũng chẳng hứng thú chút nào với công việc này, vậy chẳng lẽ kỹ năng kế toán của Vui Vẻ là một điểm yếu? Chẳng phải mục tiêu của công ty là tập hợp những con người có điểm mạnh khác nhau để hỗ trợ lẫn nhau và đi đến thành công. Gặp câu hỏi như vậy, bạn hãy trả lời bằng hai cách sau:
Tự tin vừa: Tôi muốn cải thiện khả năng viết của mình. Tôi đã từng viết nhiều báo cáo, email trao đổi kinh doanh, nhưng tôi muốn học thêm cách viết các nội dung tiếp thị khác nhau như bài PR, newsletter, brochure sản phẩm…
Thừa tự tin: Tôi từng bị ám ảnh bởi việc phải cải thiện mọi điểm yếu của mình, cho tới khi tôi nhận ra mình có rất rất nhiều điểm yếu. Bởi vậy, tôi nghĩ tốt hơn mình nên tập trung trau dồi vào những kỹ năng mà mình thích và có thể làm tốt, như tạo ra một kế hoạch kinh doanh hoàn hảo và thu hút được nguồn tài trợ chẳng hạn! Anh (Chị) nghĩ như thế nào?
Vì sao chúng tôi nên chọn bạn mà không phải các ứng viên khác?
Vui Vẻ cực kỳ không thích câu hỏi này tí nào. Bạn nghĩ xem, Vui Vẻ không được gặp các ứng viên khác, thì làm sao có thể so sánh mình với họ được!
Hơn nữa, phạm vi câu hỏi quá rộng và chung chung, chứng tỏ nhà tuyển dụng có phần… lười và không đổi mới câu hỏi của mình. Theo Vui Vẻ, hướng trả lời phù hợp là chỉ rõ tại sao bạn phù hợp với công việc:
Tự tin vừa: Qua những thông tin tôi đọc được về vị trí này thì có vẻ như anh (chị) đang tìm ứng viên có thể đảm nhiệm (X) và (Y). Đó là những công việc mà tôi đã có kinh nghiệm ở công ty cũ.
Thừa tự tin: Vâng, tôi nghĩ đó là điều chúng ta cần tìm hiểu trong buổi phỏng vấn này. Mặt khác, tôi nghĩ anh (chị) sẽ trả lời câu hỏi đó tốt hơn tôi vì anh (chị) đã và sẽ được gặp các ứng viên khác, mà tôi thì không có cơ hội đó. Thay vào đó, có lẽ tôi nên trao đổi với anh (chị) về những tố chất của ứng viên mà công ty đang tìm kiếm.
Sếp cũ sẽ nói gì về bạn?
Trường hợp này nhà tuyển dụng đang nghiễm nhiên mặc định rằng sếp cũ của bạn là một người tốt và có thể tin tưởng được. Nhưng nếu chẳng may sếp cũ của bạn là một người hẹp hòi, không bao giờ nhận sai, hay hứa hẹn nhưng không thực hiện… thì tại sao ý kiến của họ lại được nhà tuyển dụng xem xét để đánh giá bạn? Theo Vui Vẻ, đánh giá năng lực của ứng viên chỉ dựa vào ý kiến chủ quan của một người là quá vụng về và phi lý. Gặp trường hợp như vậy, bạn hãy tham khảo các cách trả lời sau nhé:
Tự tin vừa: Ông ấy chắc hẳn sẽ nhận xét tôi là một nhân viên chăm chỉ và có khả năng làm việc nhóm tốt.
Thừa tự tin: Anh (Chị) ấy hẳn sẽ bảo tôi “Lo mà tập trung vào công việc của anh đi”. Thế nhân viên ở đây hay nói gì về anh (chị)?